Chức năng Sắc_lạp

Sắc lạp có mặt trong hoa, quả, rễ, các già và bị stress; chịu trách nhiệm hình thành màu sắc cho những bộ phận trên. Điều này luôn liên đới với một quá trình gia tăng tích lũy một lượng lớn sắc tố carotenoid. Sự chuyển hóa từ lục lạp thành sắc lạp trong trái chín là một ví dụ điển hình cho quá trình trên.

Bào quan này thường tìm thấy trong các mô trưởng thành (đủ chín) và có nguồn gốc từ những lạp thể trưởng thành trước đó. Quả và hoa là hai cơ quan phổ biến nhất xảy ra sự tổng hợp carotenoid, cùng với một số phản ứng khác như tổng hợp đường, tinh bột, lipid, các hợp chất thơm, vitamin và hormone.[3] DNA lục lạp và DNA sắc lạp giống hệt nhau.[2] Nhưng có một sự khác biệt tinh tế giữa hai loại DNA đã được phát hiện sau khi phân tích sắc ký lỏng của sắc lạp cà chua, tiết lộ rằng DNA của chúng có gia tăng nhiều hơn số lượng quá trình metyl hóa base cytosine.[3]

Sắc lạp tổng hợp và lưu trữ những sắc tố như carotene cam, xanthophyll vàng và đa dạng nhiều loại sắc tố đỏ. Như vậy, sự sai khác trong màu sắc sắc lạp phụ thuộc vào việc chúng đang chứa đựng những sắc tố nào. Mục đích tiến hóa chính của sắc lạp có lẽ là để hấp dẫn côn trùng thụ phấn cho hoa và ăn những quả mọng rực rỡ, hỗ trợ phát tán hạt giống. Tuy vậy, chúng cũng được tìm thấy trong những củ cà rốt hay khoai lang nằm dưới lòng đất. Sắc lạp cho phép tích lũy một lượng lớn các hợp chất không tan trong nước, trái với những thành phần tích nước còn lại trong cơ thể thực vật.

Khi những chiếc đổi màu vào màu thu, đó cũng là lúc xảy ra sự thiếu hụt diệp lục và lộ ra những lớp nền sắc tố carotenoid có từ trước. Trong trường hợp này, tương đối ít carotenoid được tổng hợp mới. Những sự kiện biến đổi trên trong hệ thống sắc tố lạp thể có liên quan đến hiện tượng già hóa lá, hơi khác biệt so với quá trình chuyển hóa thành sắc lạp tích cực hơn quan sát thấy trong hoa và quả.

Có một số loài thực vật hạt kín chứa ít hoặc không chứa carotenoid. Trong những trường hợp này, các lạp thể hiện diện trong cánh hoa gần như tương tự sắc lạp và thỉnh thoảng không thể phân biệt bằng mắt thường. Ngoài ra, còn xuất hiện một số sắc tố khác như anthocyaninflavonoid định vị trong không bào tế bào, chịu trách nhiệm cho những màu sắc khác.[1]

Thuật ngữ "sắc lạp" (chromoplast) đôi khi được sử dụng để bao hàm bất kỳ lạp thể nào chứa sắc tố, trọng tâm là muốn nhấn mạnh sự khác nhau giữa sắc lạp và vô sắc lạp—loại lạp thể không mang bất cứ sắc tố nào. Với ý nghĩa này, lục lạp có lẽ là một loại đặc biệt của sắc lạp. Nhưng trên thực tế, thuật ngữ "sắc lạp" vẫn được dùng để biểu thị những lạp thể chứa những sắc tố khác, hơn là bao gồm cả diệp lục của lục lạp.